Như đã thảo luận ở tuần 2, việc mở cửa cho thương mại tự do có tác động rất không đồng đều đến các thành phần của nền kinh tế: người lao động trong các ngành may mắn hưởng lợi ích từ thương mại tự do (những ngành xuất khẩu) có thể hưởng lương cao hơn, trong khi lao động trong các ngành kém lợi thế, bị đào thải sẽ phải thất nghiệp.
(Nếu bạn chưa rõ, hãy đọc lại bài viết tuần 2 ở đây.)
Hãy quay lại ví dụ về đất nước Café Sáng mà chúng ta vừa đề cập ở tuần trước. Giả sử nước Café Sáng có hai ngành: ngành công nghiệp sản xuất trà, ngành trồng cà phê.
Sau một hồi đắn đo, Café Sáng đã quyết định ký hiệp định thương mại tự do với nước Trà Sáng hàng xóm. Điều đó nghĩa là các doanh nghiệp của Café Sáng có thể xuất khẩu sang Trà Sáng dễ dàng hơn, và ngược lại.
Giả sử Café Sáng có lợi thế (tương quan) sản xuất cà phê, trong khi nước Trà Sáng có lợi thế sản xuất trà hơn. Vì thế, Café Sáng sẽ không sản xuất trà nữa, mà chỉ tập trung sản xuất cà phê để xuất khẩu sang nước Trà Sáng, rồi nhập khẩu trà để tiêu dùng. (Chúng ta đã thảo luận cơ chế này ở tuần 1).
Điều này có nghĩa là, khi mở cửa cho thương mại tự do, ngành sản xuất trà ở nước Café Sáng sẽ bị đào thải, và những nhân công sản xuất trà sẽ bị sa thải.
Chuyện gì xảy ra tiếp theo với những người sản xuất trà bị mất việc này? Liệu họ có thể dễ dàng chuyển sang các ngành ăn nên làm ra như ngành sản xuất cà phê sau khi có thương mại tự do hay không?
Điều này còn phụ thuộc vào các yếu tố sau:
Thứ nhất là độ khác biệt về kĩ năng giữa các nghề.
Nếu kĩ năng cần thiết để sản xuất trà và cà phê là khá giống nhau (người lao động chỉ cần biết nhặt hạt hay lá đưa vào máy sấy khô chẳng hạn), thì những người bị sa thải ở ngành trà có thể nhanh chóng chuyển sang làm việc ở ngành cà phê. Ngành cà phê đang ăn nên làm ra từ lợi nhuận xuất khẩu, nên có thể mở rộng sản xuất, trả lương cao hơn cho nhiều công nhân hơn.
Tuy nhiên, câu chuyện sẽ không đơn giản như vậy nếu trà và cà phê đòi hỏi những kĩ năng rất khác nhau. Khi đó, người trồng trà sau khi bị sa thải sẽ không chuyển sang làm ở các doanh nghiệp cà phê ngay được, mà phải học cách trồng cà phê trước mới đổi ngành được.
Nghiên cứu cho thấy trên thực tế, rất khó để người thất nghiệp có thể chuyển sang ngành khác. Phân tích tác động của thương mại với lao động ở Mỹ cho thấy phải mất khoảng 8 năm mới chuyển được 95% người thất nghiệp sang nghề mới, và thiệt hại trung bình cho người thất nghiệp là khoảng vài năm thu nhập. Các nghiên cứu cho thấy tuổi tác cũng là một vấn đề: nếu bạn mất việc khi còn trẻ thì có thể dễ dàng học nghề mới để kiếm việc khác; nhưng nếu bạn mất việc khi lớn tuổi thì sẽ khó kiếm việc khác hơn. (Liên hệ k-Café nếu các bạn muốn đọc kĩ hơn về các nghiên cứu này)
Yếu tố thứ 2 ảnh hưởng đến những người thất nghiệp là độ ì trong thị trường lao động.
Có bao giờ bạn tự hỏi vì sao thị trường lao động lại có cả người không kiếm được việc và công việc không kiếm được người cùng một lúc? Đó là vì thị trường lao động không hoàn hảo, và mỗi người phải tốn nhiều công sức mới tìm được công việc phù hợp cho mình (thời gian đọc báo, viết CV xin việc, phỏng vấn, etc.), cũng như các công ty tuyển dụng cũng phải cố gắng mới tuyển được người làm.
Tình trạng người và việc không tìm được nhau này được gọi là “độ ì” trong thị trường lao động. Quốc gia nào có một hệ thống để kết nối người lao động với nhà tuyển dụng tốt hơn thì “độ ì” này càng thấp hơn, tạo điều kiện cho người thất nghiệp dễ kiếm việc hơn.*
Do đó, hậu thương mại tự do, nếu một quốc gia có thị trường lao động tốt, độ ì thấp, biết môi giới giúp người và việc dễ tìm thấy nhau, thì hậu quả thất nghiệp của thương mại tự do cũng giảm đi đáng kể.
Vì sao hillary clinton đã thay đổi ý định?
Hai lý do được nêu trên (kĩ năng khác nhau, và độ ì của thị trường lao động) là lý do tại sao từ góc nhìn vĩ mô, thương mại tự do lại mang lại lợi ích chung, nhưng vẫn có nhiều người phản đối các hiệp định thương mại như TPP đến vậy.
Nếu chỉ có một điều các nhà kinh tế đồng ý với nhau thì đó chắc hẳn là lợi ích của các hiệp định thương mại tự do tới nền kinh tế Mỹ. Nhưng, ở một số nơi, người ta cũng đổ lỗi rằng các hiệp định thương mại tự do như NAFTA (Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ – ký bởi Tổng thống Bill Clinton, chồng của Hillary Clinton) đã làm mất đi các ngành công nghiệp sản xuất của Mỹ.
Tiểu bang Michigan của Mỹ là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của thương mại tự do, và các ứng cử viên tổng thống luôn phải cẩn trọng khi nói về thương mại tự do ở bang này.
Hillary Clinton vốn ủng hộ TPP khi còn làm việc trong Nội các của Tổng thống Obama. Tuy nhiên, khi đi vận động tranh cử để trở thành ứng viên Tổng thống của Đảng Dân Chủ năm 2016, bà lại trở mặt và phản đối TPP kịch liệt. Điều này có lẽ là vì bà lo sợ sẽ thua đối thủ Bernie Sanders ở những bang mà vấn đề thương mại tự do là vấn đề quan trọng, như Michigan.
Tuy nhiên, những cử tri Michigan có lẽ vẫn không tin tưởng sự trở mặt nhanh chóng của bà, và đã dâng chiến thắng bang Michigan cho Bernie Sanders.
Nói đến đây, k-Café muốn tóm tắt lại phần thảo luận với 2 ý:
1) Những hậu quả kinh tế của các hiệp định thương mại tự do có thể rất nặng nề và tập trung ở một số vùng miền cụ thể,
2) thất nghiệp do thương mại có thể ảnh hưởng nặng đến chính trị của một nước. Các chính trị gia vì thế luôn phải rất cẩn trọng khi tham gia một hiệp định thương mại tự do mới.
Đến đây, chúng ta đã bàn đủ về thương mại tự do. Bài cuối cùng trong chuỗi về thương mại tự do sẽ được đăng vào tuần tới, tựa đề “Thử làm vua một ngày.” Trước khi đọc bài, bạn hãy tưởng tượng, nếu bạn có toàn quyền ra chính sách và quyết định có cho nước mình tham gia thương mại tự do với các nước khác hay không, bạn sẽ làm gì?
*Lưu ý: Hậu quả của yếu tố “độ ì” này rất phức tạp trên thực tế, và như hai nhà kinh tế Helpman và Itskhoki (2010) nhận định, một nước có “độ ì” thấp hơn chưa nhất thiết sẽ có ít thất nghiệp hơn sau khi mở cửa cho thương mại tự do.