Nếu chưa đọc phần 1 của bài này, hãy click vào đây để đọc.
Nối tiếp bài trước, lần này k-Cafe tiếp tục trả lời các câu hỏi: nếu hệ thống tỉ giá nổi gây ra nhiều khó khăn cho mọi người như vậy, tại sao chúng ta không cố định tỉ giá? Ví dụ như cố định 1 cafedo đổi lấy 1 trado chẳng hạn? Hoặc tốt hơn, tại sao không dùng hẳn một đồng tiền chung?
Câu hỏi này thực ra là một cuộc tranh luận rất dài và vẫn đang tiếp tục diễn ra giữa các nhà nghiên cứu kinh tế tiền tệ.
Thực ra trong lịch sử tiền tệ thế giới, đã có 2 giai đoạn mà các quốc gia trên thế giới hầu như đã sử dụng chung 1 đồng tiền. Giai đoạn đầu tiên vào khoảng năm 1870 đến trước Chiến tranh Thế giới thứ I (nổ ra năm 1914), có tên gọi là “Tiêu chuẩn Vàng” (Gold standard). Cái tên này có nghĩa là hầu hết các cường quốc trên thế giới đều đúc và lưu thông đồng tiền vàng (làm bằng vàng thật).
Giai đoạn thứ 2 là sau Thế chiến thứ 2 đến năm 1971. Trong giai đoạn này, các nước lớn cố định tỉ giá với đồng đô la, còn đồng đô la cố định tỉ giá đổi ra vàng. Do đó, dù cầm bất cứ đồng tiền nào đi chăng nữa thì cũng tương tự như cầm vàng (vì lúc nào cũng có thể đổi ra vàng với giá trị không đổi). Đây thực ra chỉ là một dạng khác của Tiêu chuẩn Vàng mà thôi. Hệ thống này còn được gọi là hệ thống “Bretton Woods”.
Ở “Tiêu chuẩn Vàng”, tuy mỗi nước có đồng vàng riêng của mình (đồng vàng Mỹ, đồng vàng Đức, vân vân), nhưng vì các đồng vàng đều làm từ vàng và có thể nấu chảy trở lại thành vàng, nên chúng ta có thể hiểu như thể thế giới chỉ sử dụng một loại đồng tiền, đó là vàng. Giả sử đồng vàng Mỹ nặng gấp đôi đồng vàng Đức, thì tỉ giá của 2 loại tiền này cũng phải cố định ở 1 đồng vàng Mỹ đổi lấy 2 đồng vàng Đức, chứ không thể biến động vì bất cứ lý do gì được.
Lưu ý rằng trong tiêu chuẩn vàng, lượng tiền của mỗi nước cũng bị giới hạn bởi khối lượng vàng mà quốc gia ấy sở hữu, chứ không thể tự do in một cách vô hạn như tiền giấy hiện nay được. Chính vì các quốc gia muốn điều khiển lượng tiền (tăng lên, giảm xuống) có trong thị trường một cách tùy ý (mục đích của việc này sẽ được đề cập trong bài tới), tiêu chuẩn vàng này đã bị các quốc gia từ bỏ vào đầu thế kỷ 20. (*)
Hệ thống Bretton Woods là một hệ thống được lập ra nhằm cố định tỉ giá sau Thế chiến thứ 2, giảm tình trạng chiến tranh tiền tệ (khi các quốc gia thay phiên nhau làm đồng tiền của mình yếu đi để tăng cạnh tranh xuất khẩu), cũng như tạo ra một môi trường đầu tư dễ hơn cho doanh nghiệp khi không phải lo lắng về biến động tỉ giá nữa. Tuy nhiên, hệ thống Bretton Woods này cũng đã bị sụp đổ vì sự cố định giá trị nhân tạo của các đồng tiền này. k-Cafe sẽ không tập trung nói về hệ thống này, nên độc giả có quan tâm hãy liên hệ tác giả để được biết thêm.
Nói tóm lại
Sau khi đọc cả bài dài này, các bạn chỉ cần nhớ những ý chính sau:
- Nếu thế giới sử dụng một đồng tiền chung, các quốc gia sẽ mất quyền tự do điều chỉnh lượng cung tiền có mặt trong nền kinh tế.
- Nếu các quốc gia sử dụng các đồng tiền riêng, nhưng tỉ giá luôn cố định không thay đổi (như chúng ta đã bàn về các đồng vàng quốc gia bị cố định tỉ giá tùy theo khối lượng vàng), thì hệ thống này thực ra cũng giống như cả thế giới có một đồng tiền chung.
- Nếu các quốc gia trên thế giới sở hữu đồng tiền riêng cho mỗi nước và tỉ giá không bị cố định, thì các quốc gia sẽ có quyền được tự do in tiền hơn. Lợi ích của khả năng được tự do in tiền sẽ được đề cập trong bài tuần sau.
- Tuy nhiên, trong trường hợp các quốc gia sở hữu đồng tiền riêng (như hiện nay), thì biến động tỉ giá sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, tiêu dùng, và sản xuất của mỗi người và doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Hẹn các bạn vào tuần sau nhé!
Nội dung: Châu Thanh Vũ
Ảnh minh họa: Ngọc Nguyễn.
(*) Một hệ thống tiền tệ thế giới khác tương tự Tiêu chuẩn Vàng được thiết lập vào sau Thế chiến thứ 2, tên là hệ thống Bretton Woods. Độc giả hiếu kỳ có thể tìm đọc online hoặc gửi tin nhắn cho k-Café hoặc tác giả Châu Thanh Vũ trên facebook nhé!