Tiền chung hay tiền riêng?

Đã bao giờ bạn tự hỏi:

  • Tỉ giá là gì? Tại sao 1 đô la Mỹ lại đổi được 22,260 đồng Việt Nam, mà không phải là 1 đồng hay 1 triệu đồng Việt Nam? Yếu tố nào tác động đến tỉ giá?
  • Thế giới đã bao giờ sử dụng một đồng tiền chung hay chưa? Ích lợi của việc sử dụng đồng tiền chung này là gì?
  • Vì sao hầu như mỗi nước lại muốn có một đồng tiền riêng của mình, mà không sử dụng một đồng tiền chung?
  • Vai trò của ngân hàng trung ương là gì? Khi nào một nước có thể tự do in tiền? Khi nào một nước nên in thêm tiền?

Ở tuần này, k-Café sẽ trả lời 2 câu hỏi đầu tiên, theo một cách đơn giản nhất có thể. Tuần tiếp theo, chúng tôi sẽ viết về 2 câu hỏi còn lại.

Lưu ý: Cho tất cả những ví dụ trong bài này, k-Café sẽ sử dụng 2 nước giả định là Trà Sáng và Cafe Sáng. Nước Trà Sáng sử dụng đồng tiền tên là trado (Trà Đồng), còn nước Cafe Sáng sử dụng đồng tiền tên là cafedo (Cafe Đồng).

Khi nhiều đồng tiền cùng “chung sống”

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà có rất nhiều loại đồng tiền quốc gia cùng tồn tại trong nền kinh tế thế giới. Ở Việt Nam, bạn cần có tiền in ảnh Bác Hồ trong ví để tiêu xài. Mỗi khi đi du lịch Anh, Mỹ, Nhật thì phải đổi tiền đồng sang bảng Anh, đô la Mỹ, và yên Nhật để bọc trong ví, phải chịu nhiều chi phí hoán đổi và khá tốn công.

Trong thế giới của k-Café, có 2 đồng tiền quốc gia là cafedotrado cùng nhau tồn tại.

Tỉ lệ quy đổi giữa các đồng tiền còn được gọi là tỉ giá. Ví dụ như, khi người ta nói tỉ giá giữa cafedo và trado là 4, nghĩa là cứ mang 4 cafedo ra quầy sẽ đổi được 1 trado. Tỉ giá này thường đồng nhất ở mọi địa điểm giao dịch, vì nếu không tất cả mọi người sẽ chỉ đến đổi ở nơi cho tỉ giá tốt hơn. (Trong một số trường hợp sẽ có chênh lệch, như tỉ giá ở ngân hàng và tỉ giá chợ đen, và sự chênh lệch này xảy ra bởi vì đôi khi không phải ai cũng đổi được ở ngân hàng. Tuy nhiên, mức chênh lệch này thường không đáng kể trong điều kiện kinh tế bình thường.)

Tỉ giá có thể được hiểu như giá trị của một đồng tiền khi tính bằng đồng tiền còn lại. Vì tỉ giá thực ra cũng là một loại giá cả trong một thị trường mua bán (thị trường hoán đổi ngoại tệ), những yếu tố nào ảnh hưởng đến cung và cầu của một trong hai đồng tiền cũng sẽ tác động đến tỉ giá.

Ví dụ như khi vua Cà phê Sáng quyết định in thêm thật nhiều cafedo thì đột nhiên qua đêm, lượng cafedo có trong thị trường đột ngột tăng lên. Vì có quá nhiều cafedo, đồng tiền này sẽ giảm giá trị so với trado.

Để hiểu cụ thể hơn, khi vua in ra thêm thật nhiều tiền cafedo, người dân nước này bỗng “giàu” hơn vì có nhiều tiền hơn. Họ mang số tiền mới in này ra quầy đổi thành trado để đi du lịch hoặc mua sắm hàng nhập từ đất nước Trà Sáng. Các quầy giao dịch trở nên ngao ngán vì có quá nhiều người muốn bán cafedo để mua trado, do đó giá trị của cafedo giảm xuống.

Thế tại sao tỉ giá giữa hai đồng tiền này lại là 4 đổi 1, chứ không phải 1 đổi 1, hay 100 đổi 1? Mức tỉ giá này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có mức giá của hàng hóa ở mỗi nước. Giả sử qua đêm, nước Cà phê Sáng đồng loạt đổi tiền mới, thêm một con số 0 vào sau tất cả các tờ tiền (nghĩa là 1 cafedo cũ sẽ có giá trị tương đương 10 cafedo mới), thì tỉ giá mới cũng sẽ tăng gấp 10 (từ 4 cafedo : 1 trado trở thành 40 cafedo : 1 trado). Đây chỉ là những thay đổi danh nghĩa (chúng ta dùng con số nào), còn những giá trị thực (có bao nhiêu hàng hóa trong nền kinh tế, năng suất bao nhiêu, thất nghiệp bao nhiêu,…) đều không hề thay đổi.

14086265_622668274582112_4812389382725119361_o

Những bất cập của hệ thống tỉ giá nổi

Có hai hệ thống xác định tỉ giá: (1) hệ thống tỉ giá cố định, và (2) hệ thống tỉ giá nổi.

Hệ thống tỉ giá cố định là khi vua của Cafe Sáng chỉ thị là mọi ngân hàng đều phải cho phép đổi cafedo lấy trado (và ngược lại) theo một tỉ giá cố định, không thay đổi theo thời gian.

Hệ thống tỉ giá nổi là khi vua của Cafe Sáng không làm gì cả, để mặc thị trường tự xác định tỉ giá dựa trên cung cầu của mỗi loại đồng tiền. (Lưu ý rằng vua Cafe Sáng trong trường hợp này vẫn có cách tác động đến tỉ giá bằng cách mua hoặc bán đồng tiền của chính mình hoặc của nước bạn sử dụng lượng tiền dự trữ trong kho.)

Khi được thả nổi, tỉ giá nhìn chung sẽ biến động qua thời gian, ảnh hưởng rất lớn đến quyết định tiêu thụ của người tiêu dùng.

Chẳng hạn như, vua của Cafe Sáng muốn đi du lịch Trà Sáng. Ông có 4 cafedo trong tay. Tỉ giá hiện là 1 cafedo = 1 trado, nên ông đổi được 4 trado, vừa đủ ngoại tệ để đi du lịch ở nước Trà Sáng. Thế nhưng, vì bận công việc, vua Cafe Sáng quyết định hoãn chuyến du lịch của mình đi 2 năm.

2 năm sau, vì một lý do nào đó, tỉ giá đã trở thành 1 trado đổi lấy 2 cafedo. Với 4 cafedo quỹ du lịch, vua Cafe Sáng chỉ đổi ra được 4/2 = 2 trado, không đủ tiền để đi du lịch nữa rồi! Nói cách khác, vì chần chừ 2 năm, vua của Cafe Sáng đã mất đi 2 trado, và không đi du lịch được nữa.

Không chỉ người tiêu dùng, các doanh nghiệp có xuất nhập khẩu từ quốc tếcũng đối mặt với vấn đề tương tự. Giả sử doanh nghiệp sản xuất cà phê của nước Cà phê Sáng phải nhập khẩu 1 viên bơ từ nước ngoài với giá 1 trado để làm phụ liệu rang cho mỗi kg cà phê. Giả sử 1 kg cà phê chưa rang có giá 20 cafedo. Khi tỉ giá là 1 trado = 2 cafedo, tổng chi phí của doanh nghiệp để sản xuất 1kg cà phê rang là:

  • Tiền cà phê: 20 cafedo.
  • Tiền bơ nhập khẩu: 1 trado = 2 cafedo.
  • Tổng cộng: 20+2 = 22 cafedo.

Do đó doanh nghiệp này phải bán cà phê rang với giá ít nhất 22 cafedo nếu không muốn bị lỗ.

Nếu doanh nghiệp này phải ký một hợp đồng bán cà phê rang 2 năm, doanh nghiệp này không những phải quan tâm đến chi phí hôm nay, mà phải quan tâm cả đến chi phí sản xuất trong vòng 2 năm tiếp theo nữa.

Nhưng, vì phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, chi phí sản xuất của doanh nghiệp cà phê phụ thuộc rất nhiều vào tỉ giá. Giả sử trado trở nên đắt giá hơn, tỉ giá trở thành 1 trado đổi được 3 cafedo. Khi đó, chi phí sản xuất đã trở thành 20 + 3 = 23 cafedo.

Nói cách khác, mỗi lần đồng tiền của nước mình mất giá, chi phí nguyên liệu nhập khẩu của doanh nghiệp Cà phê Sáng tăng lên, đẩy tổng chi phí sản xuất lên cao. Nếu không lường trước và lên kế hoạch cho điều này, doanh nghiệp sẽ phải chịu lỗ.

Trên thực tế, dự đoán tỉ giá là một việc hết sức khó khăn. Do đó, trong hệ thống tỉ giá nổi, các doanh nghiệp cũng chịu thiệt thòi từ những biến động tỉ giá này.

 

Câu hỏi được đặt ra bây giờ là, nếu hệ thống tỉ giá nổi gây ra nhiều khó khăn cho mọi người như vậy, tại sao chúng ta không cố định tỉ giá? Ví dụ như cố định 1 cafedo đổi lấy 1 trado chẳng hạn? Hoặc tốt hơn, tại sao không dùng hẳn một đồng tiền chung?

Mọi người đón đọc phần 2 của bài vào thứ 4 tuần sau nhé!

k-Café

Nội dung: Châu Thanh Vũ
Ảnh minh họa: Ngọc Nguyễn.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s