AI HƯỞNG LỢI, AI CHỊU THIỆT?

Bài này sẽ phân tích ảnh hưởng không đồng đều của thương mại tự do đến người dân một nước từ hai phương diện: (1) ảnh hưởng đến giá cả, và (2) ảnh hưởng đến thu nhập.

Ảnh hưởng đến giá cả của hàng hóa

Chắc k-Café không cần thuyết phục các bạn rằng những người có thu nhập khác nhau thường tiêu tiền vào những nhóm sản phẩm khác nhau. Người có thu nhập thấp hơn thường tiêu phần lớn thu nhập vào thức ăn, đồ gia dụng và các nhu yếu phẩm khác. Trong khi đó, người có thu nhập cao hơn sẽ tiêu phần lớn thu nhập vào các ngành dịch vụ, như cắt tóc hạng sang hay đi du lịch.

Chúng ta đã biết từ bài viết lần trước rằng thương mại tự do sẽ làm thay đổi giá cả của các mặt hàng trong nước: một số hàng hóa sẽ trở nên rẻ hơn so với các hàng hóa khác. Như vậy, thương mại tự do sẽ làm rẻ đi các hàng hóa nào?

Nghiên cứu gần đây nhất của Fajgenbaum và Khandelwal (2015) đã chỉ ra rằng thương mại tự do mang lại lợi ích cho người nghèo nhiều hơn là người giàu.

Lý do là vì những hàng hóa người nghèo hay mua (thức ăn, kem đánh răng, dầu gội đầu) thuộc nhóm ngành hay được mua bán xuyên quốc gia hơn, và khi có thương mại tự do, những mặt hàng này sẽ được mua bán với giá rẻ hơn. Trong khi đó, những nhóm hàng dịch vụ, như hớt tóc hạng sang hay nhà hàng cao cấp, lại ít được xuất/nhập khẩu hơn, và ít hưởng lợi ích của thương mại hơn.

Thế nhưng, ở một số nước như Mỹ, chính người nghèo và những người lao động là những người phản đối thương mại tự do mạnh mẽ nhất.

Đấy là vì thương mại tự do không chỉ ảnh hưởng đến giá cả, mà còn đến cả thu nhập của người lao động. Đối với một người bị thất nghiệp vì thương mại tự do, dù kem đánh răng Colgate được nhập khẩu với giá rẻ hơn, họ cũng không có tiền để mua!

anh minh hoa

Ảnh hưởng đến sản xuất và thu nhập

Khi một quốc gia tăng tự do thương mại, một số ngành sẽ phát triển hơn vì có thể tiếp cận thị trường mới, trong khi một số ngành khác không chịu nổi sức ép cạnh tranh của hàng nhập khẩu từ nước khác sẽ phải biến mất và mang lại thất nghiệp. Vậy ai tồn tại, ai bị đào thải?

Câu trả lời là, các doanh nghiệp thuộc 2 nhóm sau đây sẽ bị đào thải vì thương mại tự do:

(1) doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất bằng công nghệ lạc hậu hay bằng tài nguyên không dồi dào (nói cách khác, ngành có lợi thế tương quan kém),

(2) ngay cả trong ngành có lợi thế tương quan cao, doanh nghiệp nào có năng suất thấp hơn so với các doanh nghiệp khác cũng bị đào thải.

 (1) Ngành có lợi thế tương quan kém sẽ biến mất[1]

Chúng ta đã biết từ bài trước, khi tham gia thương mại tự do, những ngành có lợi thế tương quan cao sẽ xuất khẩu và bán hàng với giá cao hơn, trong khi những ngành kém lợi thế biến mất (vì những hàng hóa này sẽ được nhập khẩu từ nước khác thay vì sản xuất nội địa). Đây là hiện tượng chuyên biệt hóa. (Nhắc lại: lợi thế tương quan có thể đến từ công nghệ tốt hơn, hoặc sản xuất bằng tài nguyên dồi dào hơn).

Đối với người lao động, điều này có nghĩa là những người làm trong các ngành xuất khẩu sẽ được trả lương cao hơn (nhờ giá hàng hóa được tăng lên), trong khi lao động trong những ngành kém lợi thế tương quan sẽ trở nên thất nghiệp.

Như vậy, thương mại tự do là một chính sách không công bằng, vì một số ngành hưởng lợi từ cái giá được trả từ những ngành còn lại.

Tuy nhiên, như k-Café đã nhấn mạnh, phần lớn thương mại trên thực tế diễn ra giữa các nước có công nghệ và tài nguyên giống nhau, và các nước thường trao đổi để có đa dạng mặt hàng trong cùng một ngành. Do đó, chúng ta ít thấy trên thực tế một ngành phát triển mạnh hoặc biến mất hẳn vì thương mại tự do. Thay vào đó, chúng ta nên bàn về tác động của thương mại tự do đối với doanh nghiệp trong cùng một ngành:

(2) Trong cùng một ngành, doanh nghiệp có năng suất thấp hơn sẽ bị đào thải

Để hiểu rõ ràng hơn tại sao, hãy đọc câu chuyện dưới đây:

Thử nghĩ về một đất nước giả định tên Café Sáng, và nước này chỉ có một ngành: ngành sản suất café hòa tan. Ngành này chỉ bao gồm hai doanh nghiệp: Đông Nguyên và Lowlands. Nước Café Sáng chỉ có 2 lao động, mỗi lao động làm cho một doanh nghiệp. Lưu ý rằng 2 lao động này phải được trả lương bằng nhau, nếu không họ sẽ bỏ sang làm cho công ty trả lương cao hơn.

Giả sử Lowlands có công nghệ kém hiệu quả hơn nên trên thị trường có ít café Lowlands hơn, và doanh nghiệp này cũng ít có lãi hơn Đông Nguyên.

Đột nhiên Café Sáng muốn mở cửa để tham gia thương mại với nước hàng xóm, Trà Sáng. Đông Nguyên bây giờ có thêm thị trường mới ở Trà Sáng nên muốn thuê thêm lao động (lấy từ Lowlands) để sản xuất thêm café hòa tan để xuất khẩu. Để lấy được lao động của Lowlands, họ đề nghị nâng mức lương trả cho người lao động.

Lowlands cũng muốn xuất khẩu, nhưng vì năng suất thấp, không sản xuất được đủ nhiều để trang trải chi phí hoạt động ở thị trường mới, lại phải chịu sức ép trả lương cao hơn cho công nhân từ Đông Nguyên nên không những không thể xuất khẩu mà còn bị phá sản.

Như vậy, việc Café Sáng tham gia thương mại tự do mang lại thu nhập cao hơn cho 2 nhóm: Công ty Đông Nguyên, và người lao động của Café Sáng. Ngược lại, thương mại tự do đã buộc Lowlands phải phá sản. Cùng làm trong một ngành café hòa tan, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể hưởng lợi từ thương mại tự do!

Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Nói đến đây, chắc mọi người tự hỏi, chuyện gì sẽ xảy ra với những người thất nghiệp?

Trên lý thuyết, chủ của một công ty phá sản có thể lập công ty mới sản xuất mặt hàng có ưu thế; người lao động bị sa thải cũng có thể chuyển sang làm việc ở ngành trả lương cao hơn.

Thế nhưng, trên thực tế, chuyển được hay không, với cái giá nào, và mất bao lâu phụ thuộc rất nhiều vào khả năng chuyển ngành của họ!

Giả sử như thương mại tự do khiến ngành nghiên cứu kinh tế biến mất, trong khi ngành lái taxi phát triển rất mạnh. Sau khi k-Café không chịu nổi cạnh tranh và bị đào thải, tác giả trở nên thất nghiệp. Nếu tác giả k-Café có thể nhanh chóng học lái taxi để đổi ngành, tác giả k-Café cũng có thể hưởng lợi ích từ tự do thương mại. Tuy nhiên, nếu tác giả k-Café bị say xe bẩm sinh và tuyệt đối không thể đổi ngành, thương mại tự do sẽ khiến tác giả bị thất nghiệp mãi mãi.

Phần thảo luận này sẽ được bàn kĩ hơn vào bài tuần sau: “Những người thất nghiệp sẽ đi về đâu?”

[1] Lý do (1) đến từ thuyết của Ricardo và thuộc thuyết Thương mại Cổ điển, trong khi lý do (2) được các nhà kinh tế của thuyết Thương mại Mới đề xuất. Trên thực tế, cả hai nguyên nhân đều quan trọng.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s