Nhắc đến nền kinh tế, chắc chúng ta không thể không nhắc đến đồng tiền – vật được sử dụng để cất giữ, tiêu thụ, mua bán hàng hóa, giao dịch giữa người với người, giữa các công ty, ngân hàng và giữa các quốc gia với nhau.
Bài viết này gồm 2 phần. Trước tiên, k-Café muốn trả lời câu hỏi cơ bản nhất: vì sao nền kinh tế cần tiền để vận hành? Sau khi làm rõ 3 vai trò cơ bản của đồng tiền, bài viết sẽ tóm tắt lại lịch sử phát triển của đồng tiền để các bạn hiểu rõ hơn về sự khác biệt giữa đồng vàng/bạc, tiền giấy, và các loại tiền khác.
Phần (1) – vai trò của đồng tiền – sẽ được đăng hôm nay. Phần (2) – lịch sử phát triển của đồng tiền sẽ được đăng vào Chủ nhật tuần tới.
Vai trò của đồng tiền
Để hiểu vai trò của đồng tiền trong nền kinh tế, các bạn hãy thử tưởng tượng một thế giới không có tiền. Chúng ta sẽ sống như thế nào trong thế giới ấy?
Trong thế giới không tiền, mọi thứ sẽ phải được định giá bằng vật phẩm và hàng hóa. Nếu bạn làm cho một công ty sản xuất cà phê, lương của bạn sẽ không tính bằng VND hay USD, mà bằng cà phê. Khi mua thức ăn và quần áo, bạn sẽ phải cầm đồng lương của mình – tính bằng cà phê – để đổi lấy thịt, gạo, và quần áo.
Nhưng câu chuyện không đơn giản như thế. Giả sử người bán thịt không thích uống cà phê, mà chỉ thích uống trà. Khi đó, bạn sẽ phải đem cà phê của mình đi tìm người bán trà, đổi cà phê lấy trà, rồi đem gói trà đổi được về tiệm thịt để đổi cho người bán thịt. Tệ hơn nữa, nếu người bán trà không muốn cà phê của bạn, thì không ai trong nền kinh tế giả định này có thể giao dịch với nhau.
Cuộc sống không có tiền do đó sẽ rất khó khăn. Vấn đề nêu trên có tên là “sự trùng hợp về nhu cầu,” nghĩa là A và B chỉ trao đổi hàng hóa được với nhau khi A muốn tiêu thụ hàng hóa của B và ngược lại. Khi không có tiền, bạn phải tốn rất nhiều thời gian và công sức để kiếm chính xác người muốn trao đổi hàng hóa với mình. Nếu có một đồng tiền chung mà mọi người cùng đồng ý sử dụng, bạn chỉ cần thu tiền khi bán hàng, rồi dùng tiền đó đến nơi bán hàng bạn cần mua là đủ. Do đó, đồng tiền sẽ giúp xóa được vấn đề “trùng hợp về nhu cầu.” Việc trao đổi hàng hóa trên thị trường sẽ diễn ra một cách dễ dàng hơn nhiều. Nói cách khác, vai trò đầu tiên của đồng tiền là phương tiện trao đổi (medium of exchange).
Ngoài vai trò này ra, đồng tiền còn có 2 vai trò chính khác.
Thứ nhất, tiền là đơn vị tính toán. Trong nền kinh tế trao đổi hàng hóa (không có tiền), thị trường sẽ phải xác định tỉ lệ trao đổi giữa từng cặp hàng hóa với nhau. Giả sử bạn có 10 hàng hóa trên thị trường, thì bạn phải báo tỉ lệ trao đổi của 10*9/2 = 45 cặp! Khi có tiền trong nền kinh tế, bạn chỉ cần xác định mỗi hàng hóa trị giá bao nhiêu tiền! Khi ấy, tiền sẽ mang vai trò là vật đối chiếu (numeraire) trong thị trường, và giá trị của mọi hàng hóa khác sẽ được tính theo đơn vị của đồng tiền. [1]
Ngoài ra, tiền còn có vai trò là vật trữ giá trị. Hầu hết mọi người đều muốn dành dụm tài sản để sử dụng trong tương lai. Có nhiều cách để tích trữ tài sản: bạn có thể dành dụm bằng cách trữ tiền, trữ đô la, trữ vàng, mua đất,… hay bất cứ vật nào khác mà có giá trị sử dụng trong tương lai. Vật để bạn tích trữ tài sản phải đảm bảo: (1) không tốn công cất giữ lắm, và (2) vẫn còn giá trị sử dụng trong tương lai.
Những hàng hóa như hoa quả, nông sản, thịt lợn,… không là vật trữ giá trị tốt, bởi vì chúng tốn nhiều công lưu trữ, và sẽ sớm hỏng, không còn giá trị nữa. Cùng ý tưởng đó, tiền giấy sẽ là một vật trữ giá trị tốt chỉ khi đồng tiền không bị mất giá quá nhanh. (Nghĩa là, nếu 1000 VND hôm nay mua được 1 ổ bánh mì, ngày mai chỉ mua được nửa ổ bánh mì, thì tài sản thực của bạn đã bị giảm đi phân nửa!) Vàng, đồng đô la, bất động sản cũng tương tự: chúng chỉ là vật trữ giá trị tốt nếu bạn nghĩ giá trị trong tương lai sẽ không đi xuống. Chúng ta sẽ quay lại bàn bạc cụ thể hơn về vấn đề lạm phát (mất giá đồng tiền) trong vài tuần tới! Hiện tại, các bạn chỉ cần nhớ một vai trò của tiền là nó giúp chúng ta lưu trữ giá trị tài sản mình sở hữu.
Tóm lại, đồng tiền có 3 vai trò chính: (1) phương tiện trao đổi, (2) đơn vị tính toán, và (3) vật trữ giá trị. Cuộc sống không có tiền sẽ là một cuộc sống rất khó khăn. Nhưng “tiền” là gì, có bao nhiêu loại tiền, và vì sao bây giờ chúng ta sử dụng tiền giấy chứ không sử dụng đồng tiền vàng, đồng tiền bạc như thời xưa?
Mọi người hãy đón đọc bài tiếp theo của k-Café vào chủ nhật tuần tới (24/7) với tựa đề “Câu chuyện của các đồng tiền” nhé,
Phần chú thích của tác giả
[1] Thực ra bạn có thể chọn bất kì mặt hàng nào làm vật đối chiếu, như con lợn chẳng hạn. Khi nêu giá, bạn chỉ cần nêu ra “hàng hóa X trị giá 10 con lợn,” và lợn sẽ là đơn vị tính toán trong nền kinh tế này. Tuy nhiên, ở đây có 2 vấn đề: (1) giả sử bạn đi mua kem, và giá một cây kem là 0.01 con lợn, thì bạn phải trả cho người bán kem như thế nào? (2) con lợn thực ra không dễ bỏ vào ví mang đi chợ cho lắm…)