THỬ LÀM VUA MỘT NGÀY

Nếu bạn đứng đầu một quốc gia, và có toàn bộ quyền quyết định trong tay, thì bạn có cho nước mình tham gia thương mại tự do không? Bạn có chấp nhận hạ thuế cho các công ty nước ngoài, giảm giúp đỡ các công ty trong nước để tăng cạnh tranh công bằng không? Nếu có thương mại tự do, thì quốc gia của bạn nên tập trung sản xuất ngành gì? Đối với những người bị thất nghiệp do chính sách tự do thương mại của bạn thì bạn nên làm gì để giúp họ?

Đây là những câu hỏi rất khó trả lời trên thực tế.

Hiện nay, hầu hết các nhà kinh tế đồng ý rằng nhìn chung tự do thương mại có lợi hơn so với việc đặt rào cản. Ngăn cản tự do thương mại sẽ làm tăng giá một số mặt hàng, làm hại đến những người tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, các chính sách bảo hộ cũng sẽ tạo điều kiện cho các ngành nghề, doanh nghiệp năng suất thấp tồn tại được, lãng phí tài nguyên và lao động sử dụng bởi các doanh nghiệp này. Quy luật cạnh tranh tuy khắc nghiệt, nhưng lại tạo áp lực đẩy mạnh phát triển hơn. Khi nền kinh tế vận hành với năng suất cao hơn, lương thực tế cũng sẽ tăng lên (nghĩa là, tiền lương sẽ tăng nhanh hơn giá cả, giúp người lao động mua được nhiều hàng hóa hơn.

Tuy nhiên, một vị vua hiểu thương mại sẽ không mở cửa quốc gia mình một cách vô tội vạ, mà phải cân nhắc ảnh hưởng của thương mại tới hai yếu tố sau: (1) chính sách phát triển ngành trọng điểm lâu dài, và (2) hạn chế bất bình đẳng thu nhập.

1 – Chính sách phát triển ngành trọng điểm lâu dài

Ở tuần 1, k-Café đã giải thích cho các bạn về lợi thế tương quan: các quốc gia khi tham gia thương mại hưởng lợi bằng cách chỉ sản xuất các mặt hàng mà mình có lợi thế về tài nguyên hay công nghệ hơn (chuyên biệt hóa).

Tuy nhiên, ý kiến này không hề nhắc đến nghiên cứu và phát triển về lâu dài. Giả sử quốc gia Café Sáng giỏi sản xuất cà phê hơn là ô tô, khi mở cửa thương mại với nước hàng xóm, ngành sản xuất ô tô sẽ không chịu được sức ép cạnh tranh mà biến mất, và Cafe Sáng sẽ chỉ tập trung sản xuất cà phê để xuất khẩu mà thôi.

Khi ấy, tự do thương mại sẽ không phải là lựa chọn tối ưu nếu tập trung sản xuất ô tô mang lại lợi ích cao hơn cho Café Sáng về lâu về dài. Nếu thực sự sản xuất ô tô sẽ mang lại nhiều hiệu quả hơn về lâu dài, thì có lẽ Cafe Sáng nên bảo hộ ngành ô tô một thời gian đến khi ngành này đủ mạnh rồi mới tham gia thương mại.

Tuy nhiên, luận điểm này khá yếu và không rõ ràng. Trên thực tế, rất khó để biết được tập trung vào ngành nào thì tốt về lâu về dài và tại sao. (Thử ví dụ, giả sử cả thế giới tập trung sản xuất ô tô, còn Cafe Sáng là nước duy nhất xuất khẩu cà phê. Khi ấy giá cà phê sẽ cao, và Cafe Sáng nên tập trung vào ngành cà phê thế mạnh của mình thì lại có lợi hơn!)

Ngoài ra, chúng ta cũng không biết bảo hộ một ngành bao lâu thì sẽ phát triển. Tệ hơn nữa, khi được bảo hộ, với cơ chế không hợp lý, thì một ngành có rất ít động lực để phát triển.

Do đó, ý kiến “không nên tham gia thương mại tự do để phát triển ngành trọng điểm” chỉ dừng lại ở mức độ cần lưu ý, chứ chưa thuyết phục.

2 – Hạn chế bất bình đẳng thu nhập

Chúng ta đã biết từ các bài trước của k-Cafe rằng chính sách thương mại tự do tác động không đồng đều đến mọi người trong nền kinh tế.

Để đơn giản bớt vấn đề: thử giả sử nước Cafe Sáng là một nước “bế quan tỏa cảng, và có 3 lao động A, B và C, mỗi người đang làm việc cho một công ty khác nhau, và hưởng lương bằng nhau 1 triệu đồng mỗi người. Công ty của A sản xuất cà phê, còn công ty của B và C là hai công ty trà. Cafe Sáng giỏi sản xuất cà phê hơn là trà.

Một hôm, vua của Cafe Sáng buồn chán nên đã kí quyết định tự do thương mại với nước hàng xóm Trà Sáng, vốn giỏi sản xuất trà hơn là cà phê. Khi mở cửa thương mại, công ty cà phê của A hưởng lợi vì xuất khẩu được, còn hai công ty trà của B và C không chịu được cạnh tranh nên đóng cửa. Do đó, A được tăng lương lên 4 triệu đồng, còn B và C thất nghiệp và không hưởng lương nữa.

Trong tình huống này, thương mại tự do có lợi cho nước Cafe Sáng nói chung, vì tổng lương của A, B, và C hiện giờ là 4 triệu đồng (4+0+0), trong khi trước kia chỉ là 3 triệu (1+1+1). (Giả sử giá cả không đổi nhiều, nên chỉ lương là quan trọng)

Tuy nhiên, rõ ràng chính sách này gây thiệt hại và không công bằng cho B và C. Vậy, vua của Cafe Sáng nên làm thế nào?

Một điều vua của Cafe Sáng có thể làm là chuyển bớt cái lợi của thương mại từ A sang cho B và C. Chẳng hạn như vua của Cafe Sáng có thể đánh thuế lấy đi 2.2 triệu từ A, rồi chia đôi khoản đó cho B và C dưới dạng trợ cấp.

Khi ấy, thu nhập của A, B, và C lần lượt là 1.8 triệu (4-2.2=1.8), 1.1 triệu, và 1.1 triệu, và cả 3 đều đã được hưởng thu nhập cao hơn mức 1 triệu đồng cũ của mình!

Ví dụ này tuy là một ví dụ trẻ con, nhưng muốn nói lên một điều là mở cửa tự do thương mại đi kèm với chính sách cân bằng thu nhập hợp lý có thể mang lại lợi ích đồng đều cho mọi người.

kết

Như vậy, k-Café đã hoàn thành chuỗi bài liên quan đến tự do thương mại cho mọi người. Trong bối cảnh tự do thương mại đang là vấn đề nóng, nhạy cảm vì liên quan đến công bằng xã hội, ảnh hưởng đến chính trị (Brexit, bầu cử Mỹ),… việc hiểu biết những cái lợi và hại của tự do thương mại là hết sức cần thiết.

Hy vọng qua chuỗi bài này, k-Café đã giúp các bạn hiểu được tự do thương mại một cách hệ thống nhất. Comment hoặc inbox k-Café để bàn bạc kĩ lưỡng hơn hay đọc nhiều bài hơn về tự do thương mại nhé.

One Comment Add yours

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s