Tuần trước, k-Café đã giới thiệu đến các bạn lý do tại sao một nền kinh tế cần tiền để vận hành hiệu quả hơn. Thế nhưng, “tiền” là gì? Vật phẩm nào có thể được dùng để làm “tiền”? Và nhiều loại “tiền” có thể cùng tồn tại trong một nền kinh tế không?
Tiền là gì?
Trước khi đi vào phân tích, hãy để k-Café kể cho các bạn một câu chuyện về họa sĩ Picasso.
Người ta đồn rằng, Picasso một hôm nhận ra rằng một nghệ sĩ kém danh tiếng hơn mình có thể thanh toán tiền ăn cho một nhà hàng ở Paris chỉ bằng cách vẽ lên giấy ăn và đưa cho nhà hàng. Từ khi nghe điều ấy, Picasso bắt đầu thường xuyên trả tiền cho những bữa ăn của mình bằng cách vẽ phác thảo lên giấy ăn. Các chủ nhà hàng, nhận thấy rằng Picasso rất nổi tiếng, cũng vui vẻ chấp nhận các “bức tranh giấy ăn” này của ông.
Rõ ràng, các “bức tranh giấy ăn” này được Picasso dùng để thay tiền. Chúng có giá trị giao dịch và cũng có thể dùng để lưu trữ giá trị (nhà hàng có thể giữ những bức “tranh giấy ăn” này như một loại tài sản giá trị). Do đó, những “bức tranh giấy ăn” này có thể được xem như là một loại tiền vậy.
Tiền không nên được hiểu theo nghĩa hẹp là tiền giấy mà chúng ta đang sử dụng hiện nay. Trên thực tế, đã có nhiều loại tiền khác nhau được sử dụng trong những hoàn cảnh khác nhau.

Có những loại tiền nào?
Chúng ta có thể phân ra 3 loại tiền chính.
Đầu tiên là tiền vật phẩm (commodity money): những loại tiền mà nếu bỏ đi công dụng giao dịch vẫn có giá trị riêng của nó. Điển hình của loại tiền này là các đồng vàng, đồng bạc thời xưa.
Giả sử vua nước Café Sáng quyết định đúc vàng thành xu để làm đồng tiền của đất nước. Khi đó, A và B – hai công dân của nước này – có thể tự do dùng đồng vàng này để mua bán hàng hóa cho nhau. Nếu một ngày nọ, vua chán đồng vàng và muốn đổi sang đúc xu bạc để làm tiền của quốc gia, thì số xu vàng của A và B đang giữ vẫn còn giá trị, vì họ có thể đúc lại những đồng xu này làm trang sức.
Loại tiền thứ hai là tiền giấy (hay tiền pháp định, fiat money). Đây là những loại tiền mà nếu bỏ đi công dụng giao dịch thì bản thân đồng tiền không có giá trị gì.
So với ví dụ trước, giả sử vua của Café Sáng đã chán sử dụng vàng bạc, nên ông viết luật quy định rằng mỗi tờ giấy có in chữ “Café” do vua in sẽ là đồng tiền hợp pháp của nước. Nếu A muốn dùng tờ “Café” để mua hàng của B, B có nghĩa vụ phải chấp nhận theo luật, và ngược lại.
Bình thường, A và B không tin nhau, và không chấp nhận bất cứ tờ giấy nào mà một người viết cho người còn lại. Khi đó, hàng hóa buộc phải được trao đổi bằng hàng hóa, hoặc những thứ có giá trị cơ bản khác như vàng bạc. Tuy nhiên, nhờ luật định của vua, khi B dùng tiền “Café” để mua hàng hóa, A có thể tự tin đưa hàng hóa của mình để đổi lấy một tờ giấy (vốn không có giá trị gì) chỉ bởi vì A biết rằng ngày mai mình vẫn có thể sử dụng tờ giấy (vốn không có giá trị) “Café” này để mua hàng hóa của B theo luật của vua.
Hãy lưu ý rằng, khác với tiền vật phẩm, nếu bỏ đi giá trị giao dịch thì tiền giấy chỉ là một tờ giấy; bản thân nó không có giá trị gì nữa.
Loại tiền thứ ba là tiền đại diện (representative money). Giả sử vua của Café Sáng vẫn in tờ giấy “Café”, nhưng lần này đưa thêm một quy định nữa: người dân có thể đổi 1 tờ Café lấy 1 đồng vàng trong kho quốc gia bất cứ lúc nào muốn.
Rõ ràng là nếu chọn loại tiền này, vua của Café Sáng sẽ không tự do in thêm tiền được, mà số tiền đại diện được in bị giới hạn bởi số lượng vàng vua của Café Sáng có trong kho. Ví dụ đơn giản như nước Café Sáng có tổng cộng 3 đồng vàng trong ngân khố, thì vua không thể nào in 4 tờ tiền đại diện được, vì nếu cả A lẫn B đem 4 tờ tiền đại diện đi đổi thì vua của Café Sáng sẽ không đủ vàng để trả.
Nhiều loại tiền có thể cùng tồn tại trong một nền kinh tế không?
Câu trả lời là “có”, nhưng với điều kiện.
Giả sử vua của nước Café Sáng cho phép đúc cả xu vàng lẫn xu bạc để sử dụng như tiền trong nước mình. Vua cũng cho phép người dân ai có vàng thỏi hay bạc thỏi cũng có thể mang đến cung đình để đúc miễn phí thành xu vàng, xu bạc để dùng làm tiền. Ngoài ra, vua còn định tỉ lệ quy đổi vàng lấy bạc trên thị trường theo tỉ lệ 1 xu vàng = 15 xu bạc, vì đây là giá trị thực của vàng thỏi và bạc thỏi trên thị trường.
Thời gian đầu, mọi việc ở Café Sáng diễn ra êm đẹp, vì tỉ lệ quy đổi của vàng và bạc dưới dạng thỏi hay đồng xu là ngang nhau, nên cả công dân A và B không quan tâm mình đang trữ vàng hay bạc dưới dạng nào.
Tuy nhiên, một ngày nọ thức giấc, A bỗng đào được một mỏ vàng khi đang trồng cà phê. Vì lượng vàng có mặt trên thị trường tăng lên (hay nói cách khác, bạc trở nên khan hiếm hơn so với vàng), vàng thỏi mất giá trị so với bạc. Bây giờ một thỏi vàng chỉ đổi được 14 thỏi bạc thay vì 15 so với trước đây. Khi ấy, bạc bỗng dưng có giá trị hơn dưới dạng thỏi thay vì dạng đồng xu.
Cả A lẫn B lúc ấy đều nghỉ ra một cách làm giàu: dùng 1 thỏi vàng đúc (miễn phí) thành 10 xu vàng (giả sử 1 thỏi kim loại đúc được 10 đồng xu), dùng 10 xu vàng đổi thành 150 xu bạc theo tỉ giá quy định bởi vua, sau đó nấu chảy 150 xu bạc này thành 15 thỏi bạc. Chuyển 15 thỏi bạc này sang vàng được 15/14 = 1.07 thỏi vưàng, vì tỉ giá đổi là 1:14 ở dạng thỏi. Như vậy, từ 1 thỏi vàng ban đầu, A và B có thể biến thành 1.07 thỏi vàng, nhiều vàng hơn lúc đầu!
Như vậy chính sách xu vàng-xu bạc này của vua Café Sáng không ổn định cho lắm, vì mỗi khi người ta tìm thấy mỏ vàng thì đồng xu bạc bị nấu chảy thành thỏi và biến mất hoàn toàn khỏi thị trường! Điều này xảy ra bởi vì tỉ số 1 đổi 15 do nhà nước cố định là nhân tạo, và đôi khi không khớp với tỉ lệ quy đổi của thị trường!
Câu chuyện ví dụ về nước Café Sáng này thực ra là chuyện thực tế đã xảy ra. Nước Mỹ vào thế kỉ 19 đã thực thi chế độ lưỡng kim, dùng cả vàng lẫn bạc làm tiền, đổi theo tỉ lệ 1:15. Chế độ này cũng đã sụp đổ theo cùng một lý do được nêu ra trong bài!
Câu chuyện nói trên tuy rất cụ thể và hạn hẹp, nhưng lại nêu ra một nguyên lý cơ bản: nhiều loại tiền chỉ có thể cùng tồn tại trong nền kinh tế với điều kiện không có cơ hội hưởng chênh lệch bằng một cơ chế đầu tư nào đó.
Vì đây là một nguyên lý rất quan trọng, ở tuần tiếp theo, k-Café sẽ tiếp tục quay lại câu chuyện của các đồng tiền tồn tại song hành với nhau trong nền kinh tế thế giới. Chúng ta sẽ khám phá về các khái niệm như tỉ giá, thao túng tỉ giá, và khi nào một quốc gia có thể thao túng được giá trị đồng tiền của mình. Các bạn đón đọc nhé!
Nội dung: Châu Thanh Vũ
Minh họa: Nguyễn Tiến Hoàng